Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi kinh doanh cũng cố tìm cho mình một lợi thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Trên thế giới từ những thập niên 30-40 của thế kỷ trước người ta đã tìm thấy lợi thế cạnh tranh của mình bằng việc sản xuất hàng loạt, sản xuất càng nhiều càng đạt được lợi thế nhờ quy mô, chi phí càng rẻ, lợi nhuận càng cao. Nhưng mà lợi thế này không bền vững vì khi sản lượng đến một mức nào đó thì khi tăng lên chi phí sẽ không giảm mà lại tăng. Và đối thủ họ cũng dần bắt kịp được sản lượng của mình và cũng giảm được chi phí nhờ quy mô.
Vậy thì làm cách nào để công ty đạt lợi thế cạnh tranh so với đối thủ khác, chỉ còn cách là giảm các chi phí không cần thiết xuống, làm sao để lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư là lớn nhất, đây chính là thời đại hoàng kim của các nhà hoạch định tài chính vào những năm 50-60 của thế kỷ trước (đây chính là chiến lược dẫn đầu về chi phí của M. Porter). Nhưng mà những lợi thế này vẫn không bền vững vì những công ty đi sau họ vẫn có thể học hỏi được từ những công ty đi trước thậm chí còn làm tốt hơn những công ty đó vì tránh được những sai lầm mà các công ty trước mắc phải, thêm vào đó những công ty dẫn đầu không thể giảm chi phí được nữa vì chi phí chỉ giảm ở một mức nào đó thôi, giảm nữa là ảnh hưởng đến chất lượng.
Vậy thì chỉ còn một cách tạo lợi thế cạnh tranh cho mình đó chính là phải khác biệt hóa (theo M. Porter) đây chính là thời kỳ hoàng kim của các nhà Marketing ở những năm 70-80 của thế kỷ trước. Sau một thời gian thực hiện việc khác biệt hóa người ta nhận ra rằng khác biệt hóa vẫn có thế bắt trước được, thậm chí có những người đi sau còn khác biệt hóa hay hơn người đi trước do nắm bắt được xu thế công nghệ hoặc nhu cầu mới mà các công ty dẫn đầu khó có thể thay đổi nhanh chóng để đáp ứng được.
Sau khi tìm hiểu người ta thấy rằng chỉ có con người mới thật sự là quan trọng nhất, con người có thể vừa làm giảm chi phí vừa có thể tạo những khác biệt hóa, và chính con người mới nhận biết được nhu cầu hay xu thế công nghệ mới đang và sẽ diễn ra. Vì thế quản trị nguồn nhân lực đã, đang và sẽ là nguồn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty, nó đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và tiếp diễn đến bây giờ.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đang ở đâu, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn nào? Theo cái nhìn chủ quan của mình thì các doanh nghiệp Việt Nam đang ở giao thời giữa tài chính và Marketing, nghĩa là vào khoảng những năm 60-70 của thế giới, có nghĩa là chúng ta đi sau thế giới gần nửa thế kỷ. Vậy nếu như mình không chú trọng khâu đào tạo và đầu tư cho con người thì chúng ta sẽ mãi là người đến sau thôi!
Comments
Post a Comment